Tình cảm lành mạnh là thứ giúp trẻ hiểu và kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Điều này, thường đi kèm với một cảm giác vô cùng quan trọng – lòng tin. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho bạn các cách xây dựng lòng tin với trẻ.
1. Kết nối
Bạn cần hiểu tiếng khóc và ngôn ngữ cơ thể của con để biết tại sao con khóc, để từ đó hiểu được “tâm trạng” này muốn nói điều gì. Nếu con khóc, hãy tự hỏi: “Mình có biết con như thế nào không?” Con vô cùng hiếu động, nhạy cảm, tâm trạng thất thường, dễ khóc hay giả vờ thường xuyên? Phản ứng này có phải là bất thường đối với con không? Nếu bạn không thể miêu tả cốt lõi tình cảm của con bạn, có nghĩa là bạn chưa quan tâm hết tới các tín hiệu của con và cũng có nghĩa là các nhu cầu của con vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
2. Thực hiện nếp sinh hoạt E.A.S.Y (eat – activity – sleep – you)
Tất cả các em bé đều mong muốn một cuộc sống tĩnh lặng và có thể đoán trước được, điều này đặc biệt quan trọng đối với những bé nhạy cảm, năng động hoặc cáu kỉnh. Hãy thiết lập các trình tự nhất định cho các hoạt động và các giai đoạn chuyển tiếp hàng ngày – giờ ăn, giờ ngủ ngày và ngủ đêm, tắm, cất đồ chơi – để con biết tiếp theo mình sẽ phải làm gì.
3. Giúp con bạn phát triển
Làm cha mẹ có nghĩa là phải cân bằng giữa việc ở bên để giữ cho con an toàn, và thả lỏng để con có thê tự do khám phá. Để nhắc nhở về sự cân bằng này, tôi gợi ý giúp đỡ – “H.E.L.P” như sau:
H – Hold back: Dừng lại. Đừng can thiệp ngay lập tức. Hãy dành vài phút để xác định xem tại sao con khóc, hoặc tại sao con cứ khăng khăng bám dính lấy bạn.
E – Encourage exploration: Khuyến khích khám phá. Hãy để con bạn, dù còn bé hay đã biết đi, tự mình khám phá sự kỳ diệu của các ngón tay, hoặc của món đồ chơi mới mà bạn vừa mới đặt vào cũi của con. Con sẽ nói cho bạn biết khi nào càn sự can thiệp của bạn.
L – Limit: Hạn chế. Bạn cần biết ngưỡng thế nào là quá với con. Hãy hạn chế mức độ quá kích thích, hạn chế thời gian con thức, số lượng đồ chơi ở quanh con và các lựa chọn dành cho con. Hãy can thiệp trước khi con quá tải.
P – Praise: Khen ngợi. Hãy bắt đầu khen ngợi nỗ lực, chứ không phải kết quả, của con kể từ khi con còn là một đứa trẻ (“Giỏi lắm, con đã xỏ được tay vào áo khoác rồi kìa!”). Tuy nhiên, đừng sử dụng lời khen thái quá. (Dù có thông minh tới mức nào, con bạn cũng không phải là “cậu bé thông minh nhất trên thế giói này”). Lời khen phù hợp không chỉ nuôi dưỡng ý thức nhận biết giá trị bản thân của trẻ, mà còn là một động lực cho con.
4. Trò chuyện cùng con chứ không chỉ là nói cho con nghe
Hãy tạo ra một cuộc trò chuyện, đối thoại, chứ không phải là cuộc độc thoại một chiều. Hãy giao tiếp bằng mắt bất cứ khi nào bạn nói chuyện cùng con, dù con có bé nhỏ đến thế nào đi chăng nữa. Dù con sẽ không thể đáp lời trong vài tháng, một năm hoặc lâu hơn nhưng con cũng hiểu và “nói chuyện”cùng bạn bằng những tiếng ê a và cả tiếng khóc nữa.
Trên đây là một số cách giúp bạn xây dựng lòng tin với trẻ để góp phần nuôi dạy trẻ tốt hơn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại đây một số phương pháp khác giúp thúc đẩy sự phát triển của trẻ.