Nhiều người cho rằng có một “độ tuổi tốt nhất” cho việc học ngoại ngữ và giai đoạn này sẽ áp dụng cho việc học ngôn ngữ thứ hai.
Đây là độ tuổi mà trẻ đang phát triển và bộ não sẽ giúp người học dễ thành công trong việc học ngoại ngữ.
Theo Tiến sĩ Phạm Đăng Bình (Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Anh Mỹ – Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta nên cho trẻ em làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Ở những nơi có điều kiện nên cho trẻ em học tiếng Anh và dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ các lớp mầm non thì càng tốt. Nếu chúng ta bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ dễ dàng nhất này của trẻ, thì đây sẽ là một sự lãng phí về nhân tài và chất xám rất lớn”. Vậy học ngôn ngữ với trẻ khi nào là thích hợp?
Từ 20 tháng cho đến 8 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ nên được các chuyên gia gọi là thời kỳ “phát cảm về ngôn ngữ”. Nếu trẻ được tạo điều kiện học ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ thì sẽ phát huy tốt khả năng ngôn ngữ và tư duy logic khi trưởng thành. Não của trẻ được ví như một “miếng bọt biển” hút các thông tin xung quanh. Điều đó có nghĩa nếu trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm thì khả năng “hút” càng mạnh. Bên cạnh đó, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ cũng rất dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau.
Việc học tiếng Anh của trẻ và người lớn có một số điểm khác nhau. Đối với người lớn, việc học thường có xu hướng dựa vào những kinh nghiệm và kỹ năng tích luỹ được, quá trình học diễn ra theo một quá trình và có chủ đích hơn, điều này hoàn toàn trái ngược với trẻ nhỏ. Trẻ em học tiếng Anh một cách rất tự nhiên như việc chúng tiếp thu các thông tin khác bên ngoài, chính vì vậy việc học tiếng Anh của trẻ thường dễ dàng hơn so với người lớn. Tuy nhiên, kết quả này còn dựa vào những yếu tố khác như yếu tố môi trường, thời gian tiếp xúc và cách tiếp xúc. Nhìn chung, một thực tế rõ ràng nhận thấy được là trẻ học ngôn ngữ thứ hai trước 15 tuổi có khả năng giao tiếp tốt hơn.
Một trong những điều phụ huynh cần lưu ý khi cho trẻ học tiếng Anh chính là việc dựa theo khả năng phát triển của trẻ. Thực tế không có một quy tắc nào áp dụng cho trẻ khi học ngôn ngữ, bố mẹ nên dựa vào điểm mạnh – điểm yếu và sở thích của con để chọn ra phương pháp học phù hợp. Phụ huynh cũng nên chú ý nhiều vào môi trường và chương trình mà bé học tập, đó là điều quyết định mức độ tiếp thu của trẻ cao hay thấp, có duy trì sự ham học của trẻ hay không.
Một điều cần lưu ý đó là việc bố mẹ nên hoặc không nên bắt ép con mình học ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh bị ám ảnh việc cho con mình học tiếng Anh sớm trong khi trẻ chưa sẵn sàng tiếp nhận, điều đó sẽ làm trẻ ác cảm với việc học tiếng Anh sau này. Nếu trẻ chưa sẵn sàng để tiếp thu một ngôn ngữ mới, bố mẹ hãy kiên nhẫn và quan sát con để phát hiện thời điểm nào là thích hợp với trẻ. Bố mẹ nên tạo môi trường vui nhộn, thoải mái và giúp con hiểu sự cần thiết mà chương trình học tiếng Anh đem lại cho trẻ em.
Trẻ nhỏ học ngôn ngữ theo cách tự nhiên thay vì học một cách có ý thức như người lớn, trẻ thường có khả năng phát âm, cảm nhận về ngôn ngữ và văn hóa tốt hơn, vì vậy bố mẹ đừng sợ con không học được tiếng Anh khi còn nhỏ, điều quan trọng là tìm được một môi trường học tập cũng như chương trình tốt nhất và chọn lựa thời điểm thích hợp với độ tuổi của bé.